Nghiên cứu thị trường – Mắt xích không thể thiếu trong marketing

chuyên mục

Tất tật về Marcom

Đăng ngày

chia sẻ bài viết

Thị trường biến động không ngừng, nhu cầu khách hàng cũng thay đổi liên tục, đòi hỏi doanh nghiệp buộc phải thích nghi và nắm bắt những thay đổi này.  Nghiên cứu thị trường chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp hiểu rõ thị trường mục tiêu, khách hàng tiềm năng và đối thủ cạnh tranh, từ đó đưa ra chiến lược marketing hiệu quả. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng, hãy cùng MAG tìm hiểu về nghiên cứu thị trường – một mắt xích không thể thiếu dưới đây nhé!
1. Nghiên cứu thị trường là gì?

Nghiên cứu thị trường là một quá trình thu thập, phân tích và đánh giá thông tin liên quan đến thị trường. Dữ liệu thu thập được mang đến cho doanh nghiệp cái nhìn cụ thể về tiềm năng, thách thức của họ, từ đó đưa ra những quyết định liên quan đến các hoạt động kinh doanh.

Hoạt động này bao gồm việc tìm hiểu và thu thập thông tin về môi trường kinh doanh địa phương, bao gồm các yếu tố như văn hóa, chính trị, kinh tế và xã hội, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, đối tác, nhà cung cấp, các chính sách và xu hướng thị trường.

Ví dụ: Khi Starbucks quyết định mở rộng thị trường vào Việt Nam vào năm 2012, họ đã xác định rằng Việt Nam, một quốc gia có truyền thống uống cà phê lâu đời, có dân số trẻ đang phát triển và là một thị trường tiềm năng.

Starbucks đã chú trọng vào việc nghiên cứu về thu nhập, nhân khẩu học và thói quen tiêu thụ cà phê của người dân Việt Nam.

2. Tại sao phải nghiên cứu thị trường?
  • Hiểu rõ thị trường, giảm thiểu rủi ro: Nắm bắt xu hướng thị trường, nhu cầu khách hàng, hành vi mua sắm và mức độ cạnh tranh giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thực tế, nhắm đúng đối tượng khách hàng tiềm năng và tập trung nguồn lực hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro trong kinh doanh.
  • Phát triển Sản phẩm/Dịch vụ: Nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu thị trường và tiềm năng cho các sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Điều này hỗ trợ quá trình phát triển sản phẩm/dịch vụ phù hợp và cải tiến để đáp ứng tốt nhất mong muốn của khách hàng.
  • Chiến lược tiếp thị hiệu quả: giúp doanh nghiệp tập trung vào đúng đối tượng khách hàng, lựa chọn kênh tiếp thị và chiến lược phù hợp, từ đó tối ưu hóa nguồn lực và tăng cường hiệu suất tiếp thị.
  • Đánh giá đối thủ, nâng cao khả năng cạnh tranh: giúp doanh nghiệp hiểu rõ đối thủ trong ngành và hiểu biết về những thách thức mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt. Điều này giúp xác định những điểm mạnh và điểm yếu so với đối thủ cạnh tranh, từ đó phát triển sản phẩm/dịch vụ khác biệt, thu hút khách hàng.
  • Dự báo xu hướng thị trường: Bằng cách theo dõi và phân tích thông tin thị trường, doanh nghiệp có thể dự đoán xu hướng thị trường tương lai. Điều này giúp họ chuẩn bị sẵn sàng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng thích hợp.
3. Các phương pháp nghiên cứu thị trường
  • Nghiên cứu định lượng: tập trung vào việc thu thập dữ liệu số liệu, thường thông qua khảo sát hoặc phỏng vấn. Dữ liệu thu được sau đó được phân tích bằng các phương pháp thống kê để rút ra các kết luận.
  • Nghiên cứu định tính: tập trung vào việc thu thập dữ liệu phi số liệu, thường thông qua phỏng vấn sâu hoặc nhóm thảo luận. Mục tiêu là hiểu rõ hơn về cảm xúc, ý kiến, và trải nghiệm của người tiêu dùng.
  • Nghiên cứu quan sát: bao gồm việc quan sát hành vi của người tiêu dùng mà không can thiệp trực tiếp. Điều này có thể được thực hiện tại điểm bán hàng, hoặc thông qua việc theo dõi hành vi người dùng trên các nền tảng trực tuyến.
  • Phân tích dữ liệu thứ cấp: bao gồm việc sử dụng dữ liệu đã được thu thập từ các nguồn khác, như báo cáo nghiên cứu, thống kê chính phủ, hoặc dữ liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường

Nghiên cứu thị trường là bước không thể thiếu của doanh nghiệp và việc đầu tư vào nghiên cứu thị trường chính là xây dựng nền móng vững chắc để xây dựng chiến lược marketing hiệu quả và phát triển doanh nghiệp.

MAG tổng hợp