Hiệu ứng Dunning-Kruger: Vì sao con người thường không nhận ra sai lầm của bản thân mình?

chuyên mục

Tâm lý khách hàng

Đăng ngày

chia sẻ bài viết

Bạn đã tứng nghe nói về hiệu ứng Dunning-Kruger chưa? Không phải quá khó để chúng ta có thể gặp những người tự đánh giá cao năng lực của bản thân. Đặc biệt là với sự phổ biến của internet, diễn đàn và mạng xã hội, mọi người có thể thoải mái bày tỏ ý kiến của mình, thể hiện quan điểm cá nhân và sự hiểu biết của mình cho cả thế giới biết. Do đó, nhiều người tự cho mình là tài năng trong khi không biết được năng lực thực sự của mình.

Chính điều đó đặt ra một câu hỏi cho các nhà tâm lý học, liệu rằng những người không thông minh có thể tự nhận thức được điều đó? Đó là một dạng tâm lý tồn tại trong nhiều cá nhân, được các nhà khoa học gọi là hiệu ứng Dunning – Kruger.

Đây là tên hai thầy trò giáo sư tâm lý học David Dunning và Justin Kruger, những người đã đưa ra báo cáo chính thức về hiệu ứng tâm lý này vào năm 1999. Trong bài viết này, hãy cùng MAG phân tích về hiệu ứng tâm lý này và lý giải tại sao chúng ta cần biết về hiệu ứng này dưới góc độ học thuật, để từ đó xét xem nó sẽ giúp ích gì cho chúng ta trong cuộc sống hàng ngày?

Định nghĩa

Hiệu ứng Dunning Kruger (Dunning-Kruger effect) là một loại thiên kiến nhận thức làm một người đánh giá trí tuệ, khả năng về một lĩnh vực nào đó cao hơn thực tế. Nói cách khác, đây là cách gọi hiệu ứng những người có kỹ năng nhưng có ảo tưởng tự tôn (illusory superiority), đánh giá kỹ năng của họ trên mức trung bình hoặc trên mức thực tế.

Định nghĩa này được tạo ra vào năm 1999 dựa trên nghiên cứu của các nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger. Họ làm bài kiểm tra khả năng ngữ pháp, logic, và khiếu hài hước của các thành viên đã tham gia. Và những người có điểm số thấp nhất trong bài kiểm tra này lại đánh giá rất cao khả năng của họ. 

Lời giải thích cho sự việc này là vì họ chưa đủ thành thạo/hiểu biết trong lĩnh vực đó, nên họ chưa thể đưa ra đánh giá chính xác về mình. Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ việc họ thiếu đi một hệ quy chiếu khách quan đáng tin cậy và mang tính tính định lượng, để có thể dựa vào đó mà đánh giá chất lượng công việc/học tập của mình.

Nguồn: Wismizer

Cách nhận biết hiệu ứng Dunning-Kruger

Trong nghiên cứu của mình, Dunning và Kruger đưa ra nhận xét rằng một người năng lực kém sẽ có các khuynh hướng như sau:

  • Đánh giá quá cao kỹ năng, năng lực của họ
  • Không thể nhận ra sự thiếu sót của họ
  • Không thể nhận ra năng lực thật sự ở người khác
  • Tuy nhiên, vẫn có thể nhận thức về sự yếu kém của mình nếu được hướng dẫn để cải thiện
  • Trên thực tế, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hiệu ứng này trong xã hội.

Những người phát biểu cực đao to búa lớn về một vấn đề nào đó trong khi lại chẳng có chuyên môn hay kinh nghiệm nào. Những người ngoài cuộc chỉ nghe chuyện đồn đại mà sẵn sàng dè bỉu, bàn tán quyết sách hay cuộc sống của những người lãnh đạo.

Hay một số người chỉ có kiến thức đầu tư bằng cách “học mót” nhưng lại tự tin rót số tiền khổng lồ vào đầu tư tiền ảo, v.v.

Trong công việc, không ít người hẳn đã gặp phải những người sếp hoặc đồng nghiệp khó tính với tư duy khó mà hiểu được này. Chẳng hạn, họ chưa chắc đã có nhiều kiến thức về một vấn đề nào đó bằng bạn, nhưng lại không ngại trì chiết, hạ bệ bạn bằng cách tăng bốc năng lực của họ.

Cách hiệu ứng Dunning-Kruger hoạt động

Để có thể hình dung rõ hơn về hiệu ứng Dunning Kruger, bạn có thể theo dõi đồ thị này và theo dõi sự biến đổi về mức độ tự tin của một cá nhân qua từng giai đoạn.

  • Giai đoạn 1 – Không biết gì (Know-nothing)

khi chưa có kinh nghiệm gì về một lĩnh vực nào đó, bạn sẽ thấy mình yếu kém và có nhiều thiếu sót so với người khác. Sự tự tin lúc này là số 0 tròn trĩnh và nó thôi thúc bạn tìm hiểu thêm về những gì mình chưa biết.

  • Giai đoạn 2 – Đỉnh cao sự ngu ngốc (Peak of Mount Stupid)

Và khi đã bắt đầu có các kiến thức cơ bản, tự tin của bạn dần tăng lên. Càng nhiều kiến thức thì sự tự tin của bạn càng tăng tiến cho đến khi bạn đạt đến đỉnh điểm, hay còn gọi là “Đỉnh cao của sự ngu ngốc”.

  • Giai đoạn 3 – Thung lũng tuyệt vọng (Valley of Despairs)

Trong quá trình nghiên cứu và học hỏi, bạn nhận ra khả năng thật sự của mình chưa đỉnh cao như đã nghĩ. Đây là khi bạn mất đi sự tự tin từng có và rơi vào sự thất vọng, buồn bã.

  • Giai đoạn 4 – Sườn dốc giác ngộ (Slope of Enlightenment)

Những bạn không bỏ cuộc trong thất vọng và tiếp tục tiếp thu, học hỏi thì sự tự tin sẽ dần tăng trở lại. Lúc này, bạn không còn “vênh mặt với đời” như trước mà sẽ chỉ mong muốn được phát triển toàn diện.

  • Giai đoạn 5 – Cao nguyên bền vững (Plateau of Sustainability)

Bạn có thể thấu hiểu cốt lõi của lĩnh vực và trở thành chuyên gia một khi đã có sự am hiểu tối ưu. Lúc này, sự tự tin của bạn đạt mức bền vững.

Cách vượt qua hiệu ứng Dunning-Kruger 

Chúng ta đều có thể mắc phải lỗi lầm, đặc biệt là trong tri thức, tính toán, hoặc dự đoán tương lai. Lịch sử cũng ghi lại thật nhiều lỗi sai để đời, điển hình như Tháp nghiêng Pisa ở nước Ý. Công trình huyền thoại này ban đầu được thiết kế theo kiểu đứng thẳng như mọi kiến trúc khác, nhưng nó lại bắt đầu nghiêng ngả sau khi quá trình xây dựng kết thúc.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng có không ít lần “muối mặt”vì nhỡ huênh hoang và quá sức đề cao khả năng của mình. Nhưng những lỗi sai không tiêu cực đến vậy, và chúng ta thì không nên trốn chạy hay cảm thấy xấu hổ vì chúng. Để có thể hạn chế hiệu ứng Dunning-Kruger và phát triển bản thân, bạn có thể áp dụng các cách sau.

  • Lắng nghe đóng góp từ người khác

Nếu đã không thể tự nhận ra, góc nhìn từ người khác có thể giúp bạn nhận thấy những thiếu sót của mình. Khi bắt đầu một công việc hay tìm hiểu một lĩnh vực mới, hãy tìm đến những người có kinh nghiệm, như sếp hay những chuyên gia ở lĩnh vực đó, và nhờ họ nhận xét giúp bạn.

  • Không ngừng học hỏi

Một khi bạn thu được nhiều kiến thức hơn, bạn sẽ nhận ra kiến thức của mình chỉ là một cái cây trong cả một cánh rừng. Điều này có thể chống lại xu hướng mặc định mình là một “chuyên gia”.

  • Rèn luyện tư duy phản biện

Dù đã tìm hiểu thông tin và lắng nghe nhận xét từ người khác, bạn vẫn có thể rơi vào bẫy tâm lý như thiên kiến xác nhận. Vì vậy, hãy luôn đặt câu hỏi về những gì bạn đã biết để thử thách suy nghĩ, niềm tin, và kỳ vọng của mình.

Huy Hoàng tổng hợp

Nguồn