Từ khởi điểm chỉ là một chiếc lò nướng bánh tự chế, Pizza 4P’s nay đã phát triển thành một chuỗi nhà hàng thành công, tạo nên tiếng vang toàn cầu. Vậy mô hình kinh doanh của Pizza 4P’s có gì đặc biệt mà giúp thương hiệu đi xa được đến thế? Cùng MAG tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Đôi nét về Pizza 4Ps
Thương hiệu Pizza 4P’s được thành lập năm 2011 tại Việt Nam bởi cặp vợ chồng người Nhật Bản là Yosuke Masuko – Sanae Tagasuki. Nhờ những kinh nghiệm làm pizza sẵn có tại Nhật và sự tìm hiểu kỹ lưỡng thị trường, năm 2011 anh nghỉ việc và cùng vợ – chị Sanae mở cửa hàng pizza đầu tiên, tại Lê Thánh Tôn (TP. HCM) với số vốn 100.000 USD.
Năm 2016, doanh thu của 6 cửa hàng Pizza 4P’s là 7,5 triệu USD. Năm 2017, Pizza 4P’s đã được định giá 20 triệu USD khi mới có 7 cửa hàng. Ngoài ra, thương hiệu còn được Masuko Yosuke được New Business Tokyo vinh danh là doanh nhân ở nước ngoài xuất sắc nhất vào năm 2018. Và đến năm 2023, thương hiệu này đã báo lãi trung bình là 11 tỷ VNĐ/tháng trong 6 tháng đầu năm. Hiện nay, chuỗi Pizza 4P’s đang có 32 cửa hàng tại Việt Nam. Trụ sở của Pizza 4P’s được đặt tại TP.Hồ Chí Minh, các văn phòng đại diện nằm ở Hà Nội, Đà Nẵng và Phnom Penh
Phân tích mô hình kinh doanh
Chứng thực về chất lượng
Việc kiểm soát được nguồn nguyên liệu thậm chí là độc quyền được một vài dòng nguyên liệu sẽ rất quan trọng để có thể làm ra được những món ăn thực sự ngon mang tính signature của quán. Nhận thức được điều này, Pizza 4Ps đã tạo nên sản phẩm phô mai burrata thủ công tại Đà Lạt. Ngoài ra, 4P’s cũng truyền thông rất tốt về sự rõ ràng của nguyên liệu và quy trình chế biến, tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Thêm vào đó, việc chủ động về nguồn nguyên liệu cũng giúp 4P’s có thể phát triển một số dòng sản phẩm FMCG bán tại kênh siêu thị cao cấp khá tốt.
Marketing thu hút khách, trải nghiệm giữ chân khách
Pizza 4P’s bán đồ ăn mang phong cách Italy nhưng bên trong là văn hóa phục vụ của người Nhật vốn nổi tiếng với tinh thần hiếu khách Omotenashi (tiếp đón khách hàng bằng cả tấm lòng chân thật, không giả tạo, không giấu giếm bất cứ điều gì). Bạn sẽ thấy trải nghiệm về dịch vụ của 4P’s cao hơn các chuỗi nhà hàng khác vài bậc. Có thể nói, 4P’s đã mang dịch vụ fine-dining đến gần hơn với khách hàng phổ thông.
Khách hàng còn lâu mới quý bạn, trừ phi họ thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến họ. Những thứ nhỏ bé đó tạo nên khác biệt lớn, sự quan tâm trong ngành F&B bắt đầu chính từ những điều nhỏ nhặt tạo cho khách hàng cảm giác được trân trọng.
Mô hình linh hoạt
Trước khi COVID-19 xuất hiện, 4P’s không cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi, có lẽ vì họ lo ngại rằng trải nghiệm thưởng thức món ăn sẽ bị giảm đi nếu khách không ở trong không gian và dịch vụ nhà hàng. Nhưng khi đại dịch bùng phát, Pizza 4P’s nhanh chóng hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn và tự phát triển kênh giao hàng riêng của mình.
4P’s đã thay đổi nhanh chóng để thích ứng với tình hình thị trường, nhất là trong thời kỳ đại dịch. Sau đó, họ còn phát triển thêm các dòng pizza đông lạnh, phô mai khối bán thành dạng sản phẩm tiêu dùng nhanh trên website của 4P’s và các kênh bán lẻ khác…
Những ý tưởng độc lạ
Ngoài những món có thể gây thương nhớ mạnh như Spaghetti Cua thì đội ngũ R&D của 4P’s cũng rất phá cách và “sáng tạo”. Những sản phẩm như Pizza Cá hồi sốt Miso, Pizza Bò Wagyu hay cho Nấm Truffle vào bánh là những sản phẩm được R&D rất độc đáo và mang cho mình chất riêng của từng đất nước, nhưng sản phẩm kiểu Pizza Bún đậu Mắm tôm thì nó phải gọi là một đẳng cấp khác mà chưa ai từng nghĩ tới.
Bài học rút ra
Sau khi chịu lỗ trong đợt COVID-19, Pizza 4P’s đã ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 115,3 tỷ đồng vào năm 2023. Với chiến lược phát triển vững chắc và nhịp độ điềm đạm, cùng nền tảng bền vững từ mô hình kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, 4P’s được dự đoán sẽ tiếp tục là một trong những chuỗi F&B thành công nhất tại Việt Nam trong thập kỷ qua và cả thập kỷ tới.
Từ thành công của Pizza 4Ps, có thể rút ra một số bài học như sau:
- Luôn tìm kiếm các ngách mới và sáng tạo
- Không nên đối đầu giữa bán hàng trực tuyến và trực tiếp, vì cả hai đều có thể bổ sung cho nhau
- Kênh bán hàng mới có thể tạo ra dòng tiền mới và cần điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp
Huy Hoàng tổng hợp